Bugatti và câu chuyện đằng sau
Năm 1926, Bugatti cho ra đời chiếc 41 Royale. Đây là chiếc xe được đánh giá là mạnh nhất mọi thời đại nhưng chỉ bán được 3 cái
Bugatti, hãng siêu xe nước Pháp, nổi tiếng với “ông hoàng tốc độ” Veyron được sáng lập bởi một nhà điêu khắc người Ý có niêm đam mê tột độ với xe hơi.
Câu chuyện về Bugatti gắn liền với một thiên tài nghệ thuật trẻ và một tầm nhìn chiến lược hiếm có – Ettore Bugatti. Lịch sử của Bugatti hoàn toàn không giống như phần lớn các hãng xe khác: đối mặt với vấn đề tài chính, mở rộng thương hiệu bằng cách xây dựng nhà máy trên khắp thế giới…
Ettore Bugatti sinh năm 1881 tại Milan (Italy). Ông là con trai của Carlo Bugatti, một họa sĩ, thợ kim hoàn và một nhà điêu khắc gỗ. Trong thời niên thiếu, ông học tại khoa điêu khắc, học viện nghệ thuật Brera. Nhưng không lâu sau đó, ông nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình là ô tô chứ không chỉ là điêu khắc. Với niềm đam mê của mình, 17 tuổi Bugatti đã trở thành một kỹ sư. Một năm sau ông tự thiết kế và chế tạo thành công chiếc ô tô ba bánh gắn hai động cơ.
Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng chiếc ô tô ba bánh của ông đã có mặt tại các giải đua xe địa phương và giành chiến thắng tại 8/10 sự kiện. Tại giải Paris-to-Bordeaux, sản phẩm của ông giành vị trí thứ ba.
Vào năm 19 tuổi, Bugatti thành công với chiếc xe hơi đúng nghĩa đầu tiên. Đó là chiếc xe sử dụng hộp số 4 cấp, động cơ 4 xi-lanh có van nằm trên đỉnh và hàng loạt các cải tiến kỹ thuật khác. Thời điểm năm 1900, mẫu xe của Bugatti trở thành mẫu xe đi trước thời đại và là xu hướng tương lai.
Từ đây, Bugatti nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Tên tuổi của ông nhanh chóng được khẳng định trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Năm 1909, với sự hỗ trợ của ngân hàng Vizcaya, Bugatti tiến hành xây dựng nhà máy tại Molsheim, lãnh thổ Đức. Sau đó, ông chế tạo ra chiếc xe nhỏ, nhẹ để tranh tài tại giải đua Le Mans. Mặc dù so với Fiat hay De Dietrich thì Bugatti chưa là gì nhưng với chiếc xe này, Bugatti một lần nữa đã khẳng định vị thế của mình.
Thời kỳ Thế chiến thứ I, cũng như các hãng xe khác, Bugatti phải sản xuất để phục vụ cuộc chiến nhưng công ty đã nhanh chóng khôi phục và Ettore Bugatti trở thành nhà tư bản lớn với biệt danh “Le Patron” – ông chủ.
Năm 1922, Bugatti cho ra đời chiếc xe Type 29/30 giống điếu xì gà. Chiếc xe này sử dụng phanh thủy lực và động cơ 8 xi-lanh đầu tiên được áp dụng. Tham gia giải AFC Grand Prix năm 1922, Type 29/30 về thứ 2. Một năm sau, Bugatti giới thiệu Type đời 32 được mệnh danh là xe tăng với chiều dài cơ sở ngắn hơn, động cơ vẫn là loại 8 xi-lanh.
Năm 1926, Bugatti cho ra đời chiếc 41 Royale. Đây là chiếc xe được đánh giá là mạnh nhất mọi thời đại nhưng chỉ bán được 3 cái do giá quá cao. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1931 lan sang Pháp, Bugatti nhận được hợp đồng với chính phủ chế tạo tàu cao tốc. Tàu Autorail ra đời được trang bị loại động cơ rất lớn từ chiếc 41 Royale, trở thành kỷ lục về tốc độ tàu vào thời điểm đó.
Chiến thắng cuối cùng của Bugatti là tại các giải đua vào năm 1939 với chiếc Type 57 siêu tăng tốc được điều khiển bởi Pierre Wimille và Pierre Veyron tại giải Le Mans. Năm 1941, Ettore Bugatti qua đời ở tuổi 66 vì bệnh viêm phổi.
Năm 1963, hãng siêu xe này được công ty máy bay Hispano Suiza mua lại. Năm 1987, Romano Artioli dành quyền kinh doanh và xây dựng nhà máy tại thành phố Campogalliano (Italy). Năm 1991, siêu xe EB 110 ra đời nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Ettore Bugatti. Sau 3 năm rơi vào khủng hoảng, năm 1998, Bugatti chính thức trở thành công ty con của người khổng lồ Volkswagen.
Năm 2001, tại Frankfurt Motor Show, Bugatti nổi đình nổi đám với Veyron. Mẫu xe này sử dụng động cơ tăng áp 16 xi-lanh. 4 năm sau, phiên bản thương mại của Veyron 16.4 sở hữu tốc độ tối đa 408,47 km/h chính thức xuất xưởng và trở thành chiếc xe hơi đắt nhất thế giới.
Hiện nay, Veyron Super Sport là siêu xe nhanh nhất của Bugatti. “Ông hoàng tốc độ” này được trang bị động cơ Quad Turbo W16. Hệ thống treo được cải tiến để chế ngự lực ép khổng lồ ở tốc độ khoảng 418 km/h. Veyron Super Sport có công suất 1.200 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.500 Nm.
Leave a Reply